Ngày 15/5/1992, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 998/QĐ-SĐH về việc giao nhiệm vụ đào tạo cao học cho trường Đại học Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân). Ngày 24/2/1995, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 315/TTg về việc giao nhiệm vụ đào tạo trên đại học cho trường Đại học Cảnh sát nhân dân, trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 1973/GD-ĐT, ngày 5/6/1995 về việc giao các chuyên ngành đào tạo nghiên cứu sinh cho trường Đại học Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân). Là nhà trường đầu tiên của Công an nhân dân được giao đào tạo hệ sau đại học, trải qua 25 năm thực hiện nhiệm vụ, đánh giá lại có thể khẳng định “Sứ mệnh” đào tạo hệ sau đại học của Học viện Cảnh sát nhân dân đã đạt được những thành tựu quan trọng, có bước phát triển vượt bậc, đồng thời, cũng rút ra được những bài học kinh nghiệm sâu sắc giúp cho sự phát triển trong công tác đào tạo thời gian tới. Về những thành tựu đã
đạt được, có thể khẳng định trong 25 năm đào tạo sau đại học, Học viện CSND đã đạt
được những thành tựu quan trọng trên một số phương diện chủ yếu sau đây:
Thứ
nhất, đã “Khai
thông và tạo bước đột phá mới” trong công
tác giáo dục, đào tạo góp phần quan trọng bổ sung đội ngũ cán bộ khoa
học có trình độ cao cho lực lượng CAND và kể cả cho các ngành khối Nội chính và
cho nước bạn Lào, Cămpuchia, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học - công nghệ,
bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Nhìn lại chặng đường đã
qua, có thể nhận thấy, vào thời điểm những năm 1992, trong các cơ sở đào tạo và
nói chung toàn ngành Công an, số cán bộ có trình độ tiến sĩ có thể nói chỉ đếm
trên đầu ngón tay (tại Học viện CSND chỉ có 05 tiến sĩ). Hầu hết các cán bộ này
được đào tạo tại Liên Xô (cũ) và các nước XHCN Đông Âu. Sau khi Liên Xô và các
nước XHCN Đông Âu tan vỡ thì cũng đồng thời tạo ra sự bế tắc trong công tác đào
tạo nói chung, đào tạo sau đại học nói riêng. Đặc biệt là đối với ngành Công
an, do công tác đào tạo có tính đặc thù
nên hầu hết đều phải thông qua con đường hợp tác đào tạo với Bộ Nội vụ, Bộ Công
an của các nước bạn. Trước sự bế tắc này, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy
Công an trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, cùng với sự giúp đỡ của Bộ Giáo dục
và Đào tạo và các ban ngành ở Trung ương, các cơ quan hữu quan, Học viện CSND
là sơ sở đào tạo đầu tiên trong CAND đã chính thức được Chính phủ giao nhiệm vụ
đào tạo trên đại học và tiếp đó Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chuyên ngành đào
tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Có thể khẳng định đây là sự kiện quan trọng, có tính lịch
sử đánh dấu bước phát triển đột phá mới trong công tác giáo dục, đào tạo
của ngành Công an trước những khó khăn
và đòi hỏi của thực tiễn.
Trải qua 25 năm đào
tạo, đã có 320 tiến sĩ và 2737 thạc sĩ tốt nghiệp tại Học viện CSND. Đội ngũ
cán bộ này thực sự là nguồn nhân lực đáng kể có trình độ cao để bổ sung cho các
cơ sở đào tạo, đặc biệt là các học viện, các trường đại học, các cơ quan tham mưu,
nghiên cứu, cơ quan điều tra trong ngành Công an cũng như cho các ngành khối
Nội chính, cho Quân đội nhân dân, Bộ đội Biên phòng và kể cả cho các nước bạn
Lào, Cămpuchia. Riêng đối với Học viện CSND, chính nhờ có những thành tựu từ đào
tạo sau đại học mà nhà trường đã không ngừng “tự phát triển, trưởng thành” ngày
càng vững mạnh. Từ chỗ chỉ có 05 tiến sĩ năm 1992, đến nay Học viện CSND đã có
182 tiến sĩ, 42 phó giáo sư, 11 giáo sư và 384 thạc sĩ. Nhờ đó năng lực và chất
lượng đào tạo không ngừng được tăng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào
tạo, năm 2015, đã trở thành cơ sở đào tạo trọng điểm của ngành Công an và tiến
tới là của Quốc gia.
Nhiều cán bộ được đào tạo sau đại học tại Học
viện CSND đã trở thành những nhà giáo, nhà khoa học có học vị, học hàm cao, có
uy tín; nhiều đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền những sĩ
quan cao cấp, cán bộ lãnh đạo chỉ huy, các tướng lĩnh trong lực lượng CAND, QĐND
và kể cả trong lực lượng Công an, Cảnh sát của các nước bạn Lào, Cămpuchia;
nhiều cán bộ giữ những cương vị quan trọng bộ máy cơ quan nhà nước cũng như các
ngành TAND, VKSND, Hải Quan... Theo thống kê, đội ngũ cán bộ được đào tạo tiến
sĩ tại Học viện CSND đã trưởng thành và đang giữ những trọng trách trong lực lượng
CAND và một số cơ quan, ban ngành như: 01 nhà giáo nhân dân, 16 nhà giáo ưu tú,
08 giáo sư, 30 phó giáo sư; 04 lãnh đạo cấp bộ; 08 lãnh đạo cấp tổng cục, Bộ tư
lệnh; 27 lãnh đạo cấp cục và giám đốc, phó giám đốc; 21 lãnh đạo cấp tỉnh,
thành phố; 12 sỹ quan cấp tướng trong CAND, Bộ đội Biên phòng (4 sỹ quan cấp tướng
của Bộ An ninh Lào và Bộ Nội vụ Cămpuchia). Có thể khẳng định rằng đội ngũ cán
bộ này đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển về giáo dục, đào
tạo, khoa học - công nghệ, phát triển lý luận cũng như giải quyết nhiều nhiệm
vụ chiến lược về an ninh, trật tự...
Thứ
hai, đã phát
triển về quy mô, loại hình và chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo và
những đòi hỏi của sự phát triển lý luận và thực tiễn công tác, chiến đấu của
lực lượng CAND.
Từ một chuyên ngành
Thạc sĩ Hình pháp học năm 1992 và chuyên ngành Tiến sĩ Hình pháp học năm 1995, đến
nay Học viện CSND đã đào tạo 05 chuyên ngành thạc sĩ bao gồm: Tội phạm học và
Phòng ngừa tội phạm, Quản lý Nhà nước về ANTT, Kỹ thuật hình sự, THAHS và HTTP,
Điều tra trinh sát và 02 chuyên ngành tiến sĩ: Tội phạm học và Phòng ngừa tội
phạm, QLNN về ANTT.
Năm 1992 Học viện
tuyển sinh hệ Cao học khóa 1 với 15 học viên, đến nay hàng năm học viện đều
tuyển sinh hệ Cao học với chỉ tiêu 300 học viên/ năm. Đặc biệt, trong những năm
gần đây, Học viện đã phối hợp với Đại học Tây Bắc, Đại học Đà Nẵng để mở các
lớp liên kết đào tạo thạc sĩ. Đến nay, Học viện đã mở 02 khóa liên kết với Đại
học Tây Bắc và 9 khóa liên kết với Đại học Đà Nẵng. Các lớp học này đã góp phần
bổ sung nguồn nhân lực chất lực cao cho các khu vực trọng yếu Miền Trung - Tây
Nguyên và các tỉnh khu vực Tây Bắc.
Năm 1995, có 02
nghiên cứu sinh bảo vệ hệ đặc cách. Từ Khóa 1 (1996 - 2001) chỉ có 4 nghiên cứu
sinh, đến nay là Khóa 21 (2016- 2020) số lượng đã tăng lên đến 100 nghiên cứu
sinh. Tính đến năm 2016, Học viện CSND đã đảm nhiệm đào tạo 21 khóa tiến sĩ với
tổng số là 801 nghiên cứu sinh. Đã có 320 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công
luận án và nhận bằng tiến sĩ, trong đó có 28 tiến sĩ của hai nước bạn Lào, Cămpuchia
và nhiều tiến sĩ cho Quân đội nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Viện KSND, TAND...
Sự phát triển về chuyên ngành, quy mô và loại hình đào tạo của Học viện đã góp
phần phát triển làm phong phú thêm lý luận Khoa học Công an nhân dân Việt Nam.
Thứ
ba, đã góp phần
quan trọng giải quyết các vấn đề bức xúc về an ninh, trật tự của đất nước như:
phòng chống tội phạm hình sự, phòng chống tội phạm có tổ chức, phòng chống tội
phạm mới, quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, quản lý cư trú, quản lý
trật tự an toàn giao thông, xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Đồng thời, đặt
nền móng xây dựng và phát triển lý luận Khoa học Công an nhân dân Việt Nam và
chuyên ngành mới như công tác nghiệp vụ cơ bản, hoạt động phòng ngừa tội phạm,
Khoa học hình sự, Khoa học trinh sát, Quản lý nhà nước về an ninh trật tự.
Thứ
tư, đã xây dựng,
phát triển, tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ đáp ứng ngày càng tốt hơn
nhu cầu đào tạo và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.
Từ một cơ sở đào tạo còn khó khăn về nguồn
nhân lực, cơ sở vật chất, hệ thống giáo trình, tàì liệu vào thời điểm năm 1992,
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện CSND) có đội ngũ giảng viên
phần lớn tốt nghiệp đại học, nhiều đồng chí chưa được đào tạo cơ bản, hệ thống
giáo trình, tài liệu còn thiếu, hệ thống phòng học, thư viện, phương tiện dạy
học còn đơn giản, thủ công. Đến nay, đội ngũ giảng viên tất cả đều có trình độ đại
học, phần lớn có trình độ thạc sĩ, có 182 tiến sĩ, 42 phó giáo sư, 11 Giáo sư,
ngoài ra, còn đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là những nhà khoa học, nhà giáo có
học vị, học hàm cao, có uy tín. Hệ thống giáo trình, tài liệu, sách chuyên
khảo, tham khảo, tài liệu nước ngoài ngày càng nhiều, có hệ thống và phong phú.
Hiện tại, Học viện đã có 01 thư viện 12 tầng với hàng vạn tài liệu, trong đó,
có 01 thư viện điện tử hiện đại do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ xây dựng, nhiều
công trình khoa học, sách chuyên khảo có giá trị như các bộ sách Khoa học Công
an Việt Nam, Khoa học Hình sự Việt Nam, Khoa học Trinh sát Việt Nam, Tội phạm
học Việt Nam, các đề tài khoa học, các luận văn cao học, luận án tiến sĩ... các
loại phương tiện, đồ dùng dạy học được ưu tiên trang bị đầy đủ, đồng bộ giúp
giảng viên sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, kể cả các phương pháp
hiện đại mà các trường đại học trong nước và quốc tế sử dụng.
Thứ
năm, giữ vững và
tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, đặc biệt là với các nước bạn Lào, Cămpuchia,
qua đó góp phần nâng cao năng lực cho lực lượng Công an, Cảnh sát của các nước
bạn trong công tác đào tạo cán bộ cũng như bảo đảm an ninh, trật tự, phòng ngừa
đấu tranh chống tội phạm. Từ năm 2009 Học viện đã liên kết đào tạo chương trình
thạc sĩ về lãnh đạo Tư pháp hình sự với hình thức dạy và học bằng Tiếng Anh
liên kết với trường Đại học Tổng hợp Maryland, Hoa Kỳ. Năm 2012, đã tặng Bằng tiến sĩ danh dự của
Học viện Cảnh sát nhân dân cho đồng chí Bộ trưởng An ninh Cộng hòa Dân chủ Nhân
dân Lào.
Thứ
sáu, từ kết quả đào
tạo sau đại học đã góp phần phát triển lý luận Khoa học Công an Việt Nam, hoàn
thiện pháp luật, chuyển giao những thành tựu khoa học góp phần giải quyết những
vấn đề phức tạp, chiến lược về an ninh, trật tự của đất nước.
Để đạt được những
thành tựu trên có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm của Học viện Cảnh sát
nhân dân như sau:
- Tranh thủ được sự
lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự ủng hộ
của các ban ngành, đồng thời, có quyết tâm cao và triển khai quyết liệt.
- Ưu tiên đầu tư phát
triển nguồn nhân lực khoa học cho đào tạo sau đại học, trước hết là phát triển
nguồn nhân lực cơ hữu chất lượng cao đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ đào tạo
tiến sĩ của nhà trường, đồng thời, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân
lực từ bên ngoài, bao gồm cả các nhà khoa học trong và ngoài ngành Công an.
Từng bước mở rộng quan hệ quốc tế về đào tạo sau đại học.
- Gắn nhiệm vụ đào
tạo sau đại học với nghiên cứu khoa học và thực tiễn công tác chiến đấu của lực
lượng Công an nhân dân nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, đồng
thời góp phần tích cực phát triển lý luận, thúc đẩy thực tiễn.
- Quan tâm phát triển
về cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng yêu cầu đào tạo, đồng thời có cơ chế phù hợp
và tranh thủ được sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của các cơ quan, đơn vị địa
phương nhằm giảm bớt những khó khăn đảm bảo những yêu cầu cần thiết cho việc đào
tạo sau đại học của Học viện Cảnh sát nhân dân.
Kế thừa những thành
tựu 25 năm đào tạo sau đại học, trong những năm tới Học viện Cảnh sát nhân dân
tiếp tục xây dựng một số phương hướng để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ như
sau:
Một
là, tập trung
thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện Cảnh sát nhân dân nhiệm kỳ 2015 -
2020 với mục tiêu phấn đấu trở thành trường trọng điểm quốc gia vào năm 2018,
với những định hướng lớn đó là đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và đổi mới giáo
dục đào tạo với hai giải pháp chính là gắn giáo dục đào tạo với thực tiễn và mở
rộng hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo. Quán triệt các nội dung, nhiệm vụ đặt
ra để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, nhất là trong
công tác đào tạo tiến sĩ, đảm bảo cả về số lương và chất lượng đào tạo. Ứng
dụng sâu rộng và có hiệu quả công nghệ thông tin vào trong quản lý, giảng dạy
sau đại học.
Hai
là, xây dựng, mở
rộng, đổi mới nội dung chương trình đào tạo sau đại học bảo đảm chất lượng đào
tạo, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của người học. Đồng thời đổi mới nội dung
chương trình đào tạo theo hướng gắn chặt chẽ giữa công tác giảng dạy với thực
tiễn nghiên cứu khoa học phục vụ yêu cầu công tác đảm bảo an ninh trật tự, phát
triển tiềm năng nghiên cứu sáng tạo, độc lập của học viên sau đại học. Ngoài chương
trình đào tạo hiện nay, phối hợp đào tạo cấp chứng chỉ cao cấp chính trị cho
nghiên cứu sinh. Phấn đấu mở hệ đào tạo tiến sĩ bằng tiếng Anh. Đến năm 2020,
mở thêm các mã ngành tiến sĩ mới về tư pháp hình sự, quản lý an ninh phi truyền
thống, điều tra trinh sát, kỹ thuật hình sự, giáo dục cải tạo phạm nhân.
Ba
là, tiếp tục
phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, đảm bảo phần lớn cán bộ giảng dạy có học vị
tiến sĩ, trước mắt đến năm 2018 đạt 400 cán bộ, giảng viên của nhà trường có
trình độ tiến sĩ. Thường xuyên có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho
nguồn nhân lực chất lượng cao của Học viện Cảnh sát nhân dân, tạo điều kiện để
cán bộ, giảng viên có cơ hội học tập nâng cao trình độ, có điều kiện để cập
nhật thông tin và tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức nhiều
hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, sinh hoạt khoa học dành cho các học
viên hệ sau đại học.
Bốn
là, nâng cao
chất lượng dạy và học, nhất là chất lượng luận văn, luận án từ khâu hội thảo,
phản biện, đánh giá luận văn, luận án qua các cấp, tận dụng tối đa kinh nghiệm
của các nhà khoa học, các nhà thực tiễn, trí tuệ và kết quả nghiên cứu của
nghiên cứu sinh. Tổ chức xét chọn hồ sơ dự tuyển và thi tuyển sinh hệ sau đại học
nghiêm túc, nâng cao chất lượng đầu vào, đổi mới linh hoạt các hoạt động quản
lý, nâng cao ý thức tinh thần trách nhiệm, tư duy sáng tạo, chấp hành nghiêm
túc nội quy, kế hoạch học tập của học viên nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng
luận văn, luận án. Khuyến khích học viên hệ sau đại học viết và bảo vệ luận văn,
luận án bằng tiếng Anh và mời giáo viên nước ngoài đồng hướng dẫn thực hiện
luận văn, luận án tại Học viện.
Năm
là, tiếp tục đổi
mới phát triển phương pháp đào tạo, bổ sung hoàn thiện khung chương trình đào
tạo, tập trung biên soạn giáo trình môn học, các chuyên đề, bài giảng đảm bảo
cập nhật thường xuyên các thông tin thực tế phục vụ đào tạo sau đại học, nâng
cao tính chuyên nghiệp trong đào tạo. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế
trong công tác đào tạo sau đại học, nhất là các trường Công an, Cảnh sát, pháp
luật có bề dày kinh nghiệm trong khu vực và trên thế giới trong công tác đào
tạo sau đại học, phấn đấu trở thành một Trung tâm đào tạo hệ sau đại học có uy
tín trong nước và trong khu vực./.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm
Giám
đốc Học viện CSND |